“May đo” cho du lịch xa xỉ

“May đo” cho du lịch xa xỉ

https://nhipcaudautu.vn/phong-cach-song/may-do-cho-du-lich-xa-xi-3350676/

 

Từ máy bay đến du thuyền...

Để du lịch Vòng Bắc Cực (Artic Circle, cực Bắc của Trái đất), du khách trải qua nhiều khâu di chuyển với nhiều hình thức, từ máy bay đến du thuyền để đến được các điểm nổi tiếng nhất là Greenland, North Pole (Bắc Cực)... Tùy lựa chọn giá tour khác nhau, nhưng có tour Vòng Bắc Cực lên đến 30.000 USD/người (khoảng 750 triệu đồng).

Tuy nhiên, giá tour này vẫn chẳng là gì, nhiều du khách Việt Nam thậm chí sẵn sàng chi từ 1 tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng cho những tour mang đến những trải nghiệm độc lạ, đậm dấu ấn cá nhân được thiết kế riêng. Chẳng hạn, hành trình 7 ngày Japan Winter Wonderland do TJC thiết kế gồm Hokkaido, Tokyo với trải nghiệm đi bộ trên băng, trượt xe tuyết cùng chó husky... hay tour miền Bắc Thái cùng trải nghiệm qua đêm tại Jungle Bubble Lodge; hoặc một chuyến đi chuyên sâu vào lòng Paris để trải nghiệm các nhà hàng Michelin tại Pháp; "private shopping" của các thương hiệu nổi tiếng và nghỉ tại các khách sạn hàng đầu thế giới như The Ritz Paris hay Bvlgari Paris.

TJC và Tugo là 2 đơn vị dẫn đầu trong việc khai thác phân khúc cao cấp các điểm đến nổi bật tại châu Á (Nhật, Maldives, Singapore, Bali...), châu Âu, các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp tại Nam Mỹ. Trong khi đó, FIT tour thiên về khai thác các địa điểm có nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử như Parkistan, Bhutan, Ladakh hay Nepal... Trong năm 2022, đơn vị này đã tổ chức duy nhất tour trekking EBC trại cơ sở Everest từ Việt Nam cùng huyền thoại Kami Rita - người giữ kỷ lục 26 lần lên đến đỉnh Everest.

 

Tùy tour dài ngày hay ngắn ngày, ít người hay nhiều người tham dự mà giá tour có sự dao động nhất định. Mặc dù vậy, theo ông Bùi Anh Tuấn, CEO Tugo, có sự dịch chuyển lớn trong nhu cầu của khách hàng.

“Điều thay đổi dễ nhận thấy nhất chính là xu hướng về chất lượng dịch vụ và điểm đến của du khách Việt Nam khi tìm đến các chuyến đi cao cấp.

Trong quá khứ, du khách Việt đã không còn xa lạ với những khách sạn tầm trung, những chuyến đi trọn gói đến Thái Lan hay Singapore thì giờ đây, họ hướng đến trải nghiệm với các khách sạn "bespoke luxury", di chuyển với vé máy bay hạng thương gia thường xuyên hơn. Các hoạt động trong suốt chuyến đi cũng được du khách Việt quan tâm hơn. Ví dụ, mỗi chuyến đi Maldives sẽ không thể thiếu trải nghiệm ngắm hoàng hôn cùng cá heo tại vùng biển Ấn Độ Dương với du thuyền riêng”, ông Ryan Lê, đồng sáng lập TJC, chia sẻ.

Ông Tuấn của Tugo cũng cho biết: “Nếu trước dịch COVID-19, khách chọn tour hạng sang, trải nghiệm riêng biệt chỉ khoảng 30%, 70% còn lại dành cho khách phổ thông thì sau dịch tỉ lệ này đang đảo chiều”. 

Về số lượng ngày tour, thay vì chỉ dừng ở 7 ngày, du khách thường chọn những chuyến đi dài hơn, tầm 10-20 ngày để gia tăng trải nghiệm tại địa điểm họ đến, thay vì chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” với mục đích ghé qua nhiều nơi trong một tour.

Lý giải sự chuyển dịch này, các nhà điều hành tour đều có chung nhận định, dịch bệnh đã làm thay đổi nhu cầu của con người, trong đó có các hoạt động lữ hành. “Xu hướng của người có tiền là sống sâu hơn, chậm rãi hơn và trải nghiệm nhiều hơn”, ông Ryan nói.

Ông Ryan ví von, việc thiết kế các tour xa xỉ giờ đây cũng giống như “đo ni đóng giày” một bộ cánh cho khách, cần sự chuẩn xác, đậm dấu ấn cá nhân, đảm bảo những trải nghiệm vừa độc đáo vừa thoải mái và hài lòng nhất. Trải nghiệm càng riêng tư, càng đặc trưng và mang lại nhiều giá trị thì càng đáng tiền. Đây là lý do khiến giá các tour xa xỉ cực kỳ cao và thường không cố định.

Tự tin trong bối cảnh kinh tế ảm đạm

Việt Nam là thị trường mới nổi trong khai thác các tour xa xỉ so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, theo nhận định từ nhiều tập đoàn khách sạn quốc tế. Và vì là thị trường mới nổi nên khi các tour phổ thông đang ảm đạm vì dịch và suy thoái kinh tế thì phân khúc du lịch xa xỉ vẫn tăng trưởng đều đặn từ năm 2018 đến nay. Tỉ lệ tăng trưởng hằng năm được các tập đoàn khách sạn quốc tế đánh giá là rất ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng năm sau gấp 2-3 lần năm trước. Đây cũng là xu hướng chung của thị trường quốc tế và là cơ hội chuyển mình cho các nhà tổ chức tour ở Việt Nam nếu kịp thích ứng.

 

Theo ông Ryan, doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần uyển chuyển hơn trước sự thay đổi của ngành du lịch nói chung và phân khúc cao cấp nói riêng. “Uyển chuyển hơn từ hình thức hợp tác cùng các đối tác chiến lược cho đến những trải nghiệm có thể mang đến cho khách hàng”, ông nói thêm.

Mạng lưới đại lý du lịch xa xỉ Virtuoso cho thấy, doanh số tour toàn cầu năm 2022 tăng 47% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch. Thực tế, 3/4 (74%) khách từ khảo sát của Virtuoso nói rằng: “Việc tạo ra trải nghiệm du lịch phù hợp với mong đợi quan trọng hơn giá cả”, với kế hoạch tăng mức chi tiêu mỗi người lên 34% trong năm 2023.

Các nhà điều hành tour Việt Nam đều cùng chung nhận định, 2023 vẫn sẽ là năm phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch xa xỉ dù kinh tế ảm đạm. Ông Tuấn tiết lộ, các tour cao cấp của Tugo đã kín lịch đến hết tháng 6/2023. Trong khi đó, TJC tiếp tục cho ra mắt các tour thiết kế riêng đến châu Phi như Kenya, Tanzania... nơi du khách có thể thật sự hòa mình vào thiên nhiên, vào mùa động vật di cư lớn nhất hành tinh. FIT tour thiết kế tour Con đường Tơ lụa và tour Caravan đi xuyên châu Á và châu Âu (dự kiến xuất phát ở TP.HCM và kết thúc ở Paris hoặc Venice).

Khi ngành du lịch xa xỉ Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài vì COVID-19, ông Ryan cho rằng, nhu cầu sẽ càng bùng nổ. Do đó, du khách Việt cần lên kế hoạch cho các chuyến đi sớm hơn vì “các dịch vụ được đánh giá là "có một không hai" như thăm căn phòng Coco Chanel Suite tại The Ritz Paris hay trải nghiệm ẩm thực tại các nhà hàng Michelin của Nhật chỉ vọn vẹn vài chỗ ngồi sẽ nhanh chóng được đặt hết chỗ”.

Quay lại blog